Ứng dụng m-learning là một sản phẩm công nghệ nằm trong Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (Giáo dục và Đào tạo) do Trường Đại học Hà Nội thực hiện. Nhóm chuyên gia phát triển ứng dụng bao gồm giảng viên, chuyên gia về công nghệ thông tin và giảng dạy tiếng Anh. Dưới đây là phần trình bày tóm lượt về nội dung của nghiên cứu.

1. Mục tiêu Đề tài

Mục tiêu chung

Xây dựng phần mềm học tiếng Anh di động (M-learning) cho thanh thiếu niên ở Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể:
  • Xác định được các yếu tố tác động đến quyết định sử dụng phần mềm học tiếng Anh di động của thanh thiếu niên Việt Nam.
  • Xác định được các yêu cầu và chức năng của phần mềm học tiếng Anh di động phù hợp với nhu cầu và thói quen sử dụng thiết bị di động của thanh thiếu niên Việt Nam.
  • Thiết kế, xây dựng nội dung học tập phù hợp, tích hợp trong phần mềm học tiếng Anh di động.
  • Xây dựng được chỉ số đánh giá hiệu quả của phần mềm học tiếng Anh di động đối với thanh thiếu niên Việt Nam.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là phần mềm học tiếng Anh di động cho thanh thiếu niên Việt Nam.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu này giới hạn đối tượng sử dụng sản phẩm phần mềm là thanh thiếu niên Việt Nam. Trong tương lai, phần mềm này có thể được giới thiệu và sử dụng cho thanh thiếu niên và đối tượng là người học khác trên toàn thế giới.

3. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu

3.1. Cách tiếp cận

Đề tài sử dụng những cách tiếp cận nghiên cứu sau đây: Tiếp cận lý thuyết, tiếp cận hệ thống, tiếp cận theo mô hình và tiếp cận thực tiễn: Căn cứ vào kết quả khảo sát đánh giá thực trạng học tiếng Anh bằng thiết bị di động của thanh thiếu niên Việt Nam để đề xuất giải pháp và xây dựng phần mềm thử nghiệm, thử nghiệm phần mềm trên các nhóm người học khác nhau để đánh giá và cải tiến phần mềm.

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với nghiên cứu định tính. Trong đó, phương pháp nghiên cứu định lượng, sử dụng phiếu hỏi, được sử dụng để thu thập thông tin về thói quen sử dụng thiết bị di động, học ngoại ngữ, mức độ chấp nhận công nghệ của thành thiếu niên Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu định tính, sử dụng bảng hỏi bán cấu trúc, dùng để phỏng vấn chuyên gia, phương pháp hội thảo, tọa đàm v.v. để thu thập các dữ liệu liên quan tới chủ đề nghiên cứu cũng như trong quá trình xây dựng các thang đo và chuẩn hóa bảng hỏi.

Căn cứ vào kết quả phân tích định lượng và định tính này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng phần mềm, đáp ứng yêu cầu về học tiếng Anh di động của thanh thiếu niên Việt Nam. Sau khi bản thử nghiệm của phần mềm được xây dựng, Nhóm nghiên cứu nhập một số nội dung học tập và chạy thử nghiệm với hai nhóm đối tượng là học sinh và sinh viên. Toàn bộ dữ liệu thu thập được trong quá trình sử dụng phần mềm thử nghiệm như kết quả kiểm tra trước và sau khi dùng phần mềm, thời gian học, điểm số làm bài tập, được phân tích nhằm tìm hiểu những điểm mạnh, hạn chế của phần mềm và nội dung có trong phần mềm. Dựa vào kết quả phân tích dữ liệu của người tham gia thử nghiệm phần mềm và kết quả phỏng vấn sâu, nhóm nghiên cứu tiến hành chỉnh sửa phần mềm, đồng thời đưa ra đề xuất yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm và biên soạn yêu cầu về nội dung học tập sẽ đưa vào trong phần mềm.

Phương pháp thu thập thông tin:

Phương pháp tổng hợp, kế thừa; phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp phỏng vấn chuyên sâu và phương pháp hội thảo.

Phương pháp phân tích dữ liệu:

Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp tổng hợp, so sánh, phân tổ và thống kê mô tả, đề tài sử dụng các phương pháp phân tích định lượng như phương pháp phân tích quá trình ra quyết định chấp nhận công nghệ và học di động và phương pháp phân tích cấu trúc tuyến tính dựa trên bình phương tối thiểu từng phần PLS-SEM.

4. Nội dung và kết quả nghiên cứu

4.1. Nội dung

Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 05 nội dung nghiên cứu sau:

Nội dung 1: Tổng quan chung về học tiếng Anh di động trên thế giới và ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã viết báo cáo chuyên đề tổng quan các nghiên cứu về học di động và học tiếng Anh di động; tổng quan các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến ý định và hành vi học tiếng Anh di động; tổng quan các nghiên cứu về học tiếng Anh di động của thanh thiếu niên Việt Nam; và tổng quan về một số phần mềm học tiếng Anh di động tiêu biểu.

Nội dung 2: Điều tra khảo sát và phân tích thói quen sử dụng thiết bị di động cho việc học tiếng Anh của thanh thiếu niên ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã thiết kế bảng hỏi và tiến hành khảo sát với hơn 600 đối tượng là học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường trung học phổ thông và đại học ở Việt Nam. Khảo sát được tiến hành cả theo hình thức trực tiếp và trực tuyến do tình hình Đại dịch Covid-19. Nhóm nghiên cứu cũng đã phỏng vấn 23 học sinh, sinh viên về các nội dung liên quan đến học tiếng Anh bằng thiết bị và ứng dụng di động.

Nội dung 3: Xây dựng phần mềm học tiếng Anh di động. Nhóm nghiên cứu đã họp, tổ chức hội thảo số 1 và lấy ý kiến chuyên gia về các yếu tố cấu thành của một phần mềm học tiếng Anh di động; nghiên cứu và phân tích các kỹ năng, kiến thức tiếng Anh phù hợp cho việc học trên thiết bị di động; nghiên cứu và phân tích các loại hình bài luyện tiếng Anh phù hợp cho việc học trên thiết bị di động; phân tích các nhân tố tác động đến thái độ, ý định và hành vi học tiếng Anh di động của thanh thiếu niên Việt Nam. Căn cứ vào các thông tin ở trên, Nhóm đã thiết kế một ứng dụng học tiếng Anh di động với 21 bài học cho hai trình độ A2 và B1 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ.

Nội dung 4: Thử nghiệm phần mềm học tiếng Anh di động. Sau khi thử nghiệm nội bộ các bài học có trong Ứng dụng, Nhóm nghiên cứu đã triển khai thử nghiệm diện rộng với các đối tượng là học sinh phổ thông và sinh viên đại học theo 02 đợt. Đợt 1 từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6/2022. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm về kết quả thử nghiệm, Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm lần 2 vào tháng 8 và tháng 9/ 2022. Kết quả thử nghiệm cung cấp thông tin đầu vào để Nhóm nghiên cứu viết đề xuất cải tiến kỹ thuật và nội dung của ứng dụng.

Nội dung 5: Đề xuất yêu cầu về kỹ thuật và nội dung của phần mềm học tiếng Anh trực tuyến cho thanh thiếu niên Việt Nam. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã viết hướng dẫn sử dụng phần mềm như thực hiện các thao tác để nâng cao hiệu quả luyện tập các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; biên soạn đề xuất yêu cầu kỹ thuật về phần mềm và nội dung bài học.

4.2. Kết quả nghiên cứu

Đề tài đã đạt được các kết quả sau đây:

  • Báo cáo tổng quan về học tiếng Anh di động và các phần mềm học tiếng Anh di động trong nước và trên thế giới;
  • Báo cáo về các mô hình chấp nhận công nghệ di động và mô hình học tiếng Anh di động trên thế giới và ở Việt Nam;
  • 03 bài báo trong nước có liên quan đến nội dung đề tài đã được đăng trong các tạp chí đươc HĐCDGDNN cho điểm;
  • Tổ chức 02 hội thảo về thói quen sử dụng thiết bị di động cho mục đích học tiếng Anh của thanh thiếu niên Việt Nam và kết quả thử nghiệm ứng dụng học tiếng Anh di động;
  • Phát triển 01 ứng dụng học tiếng Anh di động với 21 bài học trình độ A2 và B1;
  • Biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng ứng dụng học tiếng Anh di động;
  • 02 bài báo về học tiếng Anh di động của thanh thiếu niên Việt Nam đã được đăng trong các quốc tế uy tín (Scopus Q2 và Q4);
  • Biên soạn bản đề xuất yêu cầu về kỹ thuật và nội dung của phần mềm học tiếng Anh di động cho thanh thiếu niên Việt Nam;
  • Hỗ trợ 01 nghiên cứu sinh hoàn thành báo cáo chuyên đề số 1 và số 2 của luận án tiến sỹ.